Tản Mạn Trên Sông Hằng

Khoảng 5 giờ sáng, mặc dù ngoài trời rất lạnh, đoàn chúng tôi đã rời khỏi khách sạn Sarnath để thưởng thức bình minh nơi sông Hằng. Bởi vì mọi người thường nói rằng, khi tham quan đất Phật mà không đến được sông Hằng để ngắm ánh mặt trời lúc bình minh thì chưa thể gọi là tham quan Ấn Độ. Sông Hằng là cái tên rất quen thuộc trong tôi. Thuở nhỏ, thường đêm sau mỗi thời kinh, tôi hay ngắm hình dòng sông Hằng được in trong quyển Kinh Nhật Tụng, do Hòa thượng Thiện Hoa biên soạn. Ấn tượng nhất từ bức ảnh này là dòng chữ được chú thích ở phía dưới: "Sông Hằng nơi xứ Phật Ấn Độ". Và trong các kinh Đức Phật thường sánh ví thế giới nhiều như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số thế giới). Thuở đó, mặc dù không biết Ấn Độ ở nơi nào, cũng không hình dung được tí gì liên quan đến nó, nhưng tôi cảm thấy một niềm yêu thích lâng lâng bởi tính chất thiêng liêng ẩn tàng từ hai chữ Sông Hằng. Tôi không dám mơ ước gì về việc chiêm bái đất Phật hay ngắm dòng sông linh thiêng này, nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ và thần tượng về một đất Phật kì bí trong tâm khảm của cậu bé vừa lên tám.

n Độ có hai dòng sông lớn, đó là Ấn Hà và Hằng Hà. Sông Hằng (Gadgā river) là một con sông linh thiêng của người dân Ấn. Dòng sông này được bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), chảy qua Tây Tạng rồi đến Ấn Độ, với độ dài trên 5575 km. Bởi được bắt nguồn từ ngọn núi xem như là nóc nhà thế giới, là cái rốn của vũ trụ, là nơi hội tụ nhiều câu chuyện thần thoại ly kỳ, là nơi ẩn tu của các ẩn sĩ cũng như các vị thánh, nên mọi người dân Ấn tin tưởng tuyệt đối vào sự mầu nhiệm của dòng sông này. Họ cho rằng nước dòng sông có thể rửa sạch mọi tội lỗi và ban phước lành cho họ một cuộc sống bình an.

Không phải từ thời Đức Phật hay hàng mấy nghìn năm trước đó, thậm chí bây giờ, đối với người Ấn, niềm tin vào dòng sông này chẳng những không giảm mà còn tăng lên bởi bao sự kiện thần bí được các giáo chủ của họ thêu dệt, tô điểm thêm lên. Để chứng kiến điều này, chúng ta chỉ cần nhìn những phong tục tập quán được thể hiện trong đời sống hằng ngày của cư dân quanh vùng. Mỗi buổi sáng, vào khoảng 4 - 5 giờ, dù là trời lạnh giá, hàng mấy nghìn người từ khắp mọi nơi lũ lượt kéo về để tắm rửa và cầu nguyện, thậm chí còn uống nước ngay nơi mà họ tắm.

Lúc thả thuyền du ngoạn để đợi ánh bình minh ló dạng trên sông Hằng, chúng ta thấy đây đó hai bên bờ sông lóm khóm những ánh lửa bập bùng sáng cả một vùng, đó chính là những giàn hoả tạm thời đang thiêu xác người vừa qua đời. Đây là một trong những cách mai táng phổ biến của người Ấn Độ. Họ có ba cách mai táng truyền thống: thuỷ táng, hoả táng và lâm táng. Thuỷ táng là thả xác người trôi lềnh bềnh trên sông; hoả táng là đốt thây chết trên một giàn thiêu tạm thời và tro được rải theo dòng sông như chúng ta vừa chứng kiến; và lâm táng nghĩa là ném thây người chết vào rừng cho các loài kên kên, diều quạ ăn thịt. Cho nên thỉnh thoảng chúng ta thấy trong kinh điển thường nhắc đến từ Thi Lâm (rừng thây) chính là một trong những cách chôn cất truyền thống Ấn Độ.

Nhìn những phong tục này chúng ta cảm thấy ngậm ngùi, khi nghĩ đến giá trị cuối cùng của đời người chỉ là nắm tro tàn trên sông, một cuộc hành trình viễn du của kiếp người bồng bềnh trên biển đời sanh tử. Vì vậy, thật tuyệt vời thay! Khi một ai đạt đến sự giác ngộ không còn tái sanh như lời tuyên ngôn của Đức Phật: "Đây là kiếp cuối cùng, ta không còn tái sanh vào cõi đời này nữa".

Còn biết bao lễ hội kì dị, nhiều tôn giáo hủ tục và sự sinh hoạt lạc hậu trên dòng sông đen ngòm chứa đầy rác rưởi, thây chết và nhiều chất thải… đang thịnh hành một cách ngỡ ngàng trong ánh mắt của khách tham quan, nhưng ánh minh trên sông Hằng cũng mở màng cho một ngày mới, một tia hy vọng, một cảm giác thanh nhàn bởi những tia nắng hồng ban mai đã làm phôi pha bao cảm giác u hoài trong tâm khảm mà chúng ta vừa chứng kiến. Thật diễm phúc thay! Thiên nhiên đã bù đắp lại cho những người khốn khó và lạc hậu, nơi đất khô cằn sỏi đá này những tia nắng ấm ban mai êm ả, thanh bình dù là tháng hè oi bức hay trong những ngày trời đông lạnh giá, xoa dịu bớt phần nào cho một kiếp đời còn thiếu áo cơm và thiếu những tiện nghi tối thiểu mà không tìm thấy ở bất cứ một quốc gia tân tiến nào trên thế giới.

Rời khỏi sông Hằng để đến thành Xá Vệ (Sāvatthī), nhưng bao suy nghĩ miên man, bao niềm thương cảm u hoài cứ trào dâng trong tôi, trong trái tim của người con Phật bởi những hình ảnh khổ đau vừa diễn ra trước mắt. Ngay giờ phút đó, tôi cũng mong sao dòng sông Hằng hãy có một phép mầu như niềm kỳ vọng của họ để cuốn trôi tất cả những cặn bã bất hạnh đang bu bám vào những mảnh đời cơ cực và ban tặng cho họ một cuộc sống an lành như họ đã van xin mỗi ngày nơi dòng sông thần thánh này. Dù sao, chúng tôi cũng thành tâm cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho mọi người dân khổ cực nơi đây sớm giác ngộ lẽ thực cuộc đời, chuyển hoá khổ đau thành niềm an vui tự tại trong đời này và mãi mãi đến đời sau.


Thư Viện Hoa Sen