Hoàng tử được đưa đến hoàng cung, nơi quốc vương Tịnh Phạn chuẩn bị làm lễ đặt tên cho cậu. Vào những ngày đó, các nhà thông thái nghiên cứu nhiều về các vì sao, vì người ta tin rằng các vì sao đó có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân loại. Khi một em bé ra đời thì một hiền sĩ được mời đến để tiên đoán tương lai của em bé qua vị trí của những vì sao ngay lúc em mới sinh ra.
Quốc vương Tịnh Phạn, theo tập tục, cũng cho mời vị thông thái nhất ở Ấn Độ lúc bấy giờ, một ẩn sĩ tên là A Tư Đà (Asita), người đã an trú giữa núi rừng. Khi thấy hài nhi, A Tư Đà biết ngay cậu ấy nhất định sẽ trở nên rất vĩ đại. Ông nói với quốc vương rằng hai con đường sẽ mở ra trước đôi chân của hoàng tử: hoặc là cậu sẽ trở thành một quốc vương uy dũng, sáng suốt và đơn phương trị vì thiên hạ, hoặc là cậu sẽ từ giã hoàng cung, thành Phật tối thượng, bậc Đạo Sư của nhân thế. Nhà hiền sĩ chọn cho cậu cái tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha)
Quốc vương rất lo lắng về lời tiên tri của A Tư Đà, vì ngài rất muốn con trai của ngài phải ngự trị vương quốc sau khi ngài qua đời và trở thành một vì vua uy dũng, chứ không thích cái ý nghĩ rằng hoàng tử có thể chọn con đường khác và trở thành bậc Đạo Sư vĩ đại trên đời.
Vì vậy, để con mình khỏi phải trầm tư suy nghĩ, thao thức đủ điều, ngài bao vây cậu bằng mọi thú vui, giải trí, chọn cho cậu toàn những bạn bè vui vẻ, trẻ trung, và cẩn thận giữ cậu tránh xa các ý niệm đau buồn, chết chóc.
Hoàng tử lớn lên với tính nết rất dễ thương mặc dù cậu luôn luôn được cung phụng đủ thứ theo sở thích, và điều đó hình như cũng không thể làm cậu hư hỏng. Cậu từ ái, chân thật, hiền hòa và trong sạch. Cậu cũng rất quan tâm đến các môn thể thao, đua sức, và môn nào cậu cũng điêu luyện. Cậu là cậu bé rất bình thường và khỏe mạnh về mọi phương diện.