Cách đây khoảng 2,500 năm, tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) ở Ấn Độ, có một quốc vương sáng suốt, uy dũng gọi là Tịnh Phạn (Suddhodana). Ngài được nhân dân rất mực yêu quý, kính trọng vì tính nhân ái, công bình của ngài. Vợ ngài, hoàng hậu Ma Da (Maya) là một phụ nữ rất đẹp, và đẹp hơn nữa là tính tình hiền hậu, trong sạch của bà.
Hai vị nhân đức này đến giờ vẫn chưa có con, và họ chỉ cần một đứa con trai để hoàn thiện niềm hạnh phúc trọn vẹn của họ.
Một hôm, hoàng hậu thấy ước nguyện cao quý nhất của họ sắp được thành tựu, và chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, bà sẽ trở thành một người mẹ. Bà cho quốc vương biết tin mừng và xin được phép về nhà cha mẹ để sinh nở. Quốc vương hoan hỷ chấp thuận lời yêu cầu của bà. Ngài lệnh cho một số công nhân sửa sang đường sá, làm chúng bằng phẳng để hoàng hậu có thể thoải mái đi qua.
Ngày về nhà cha mẹ đã đến, hoàng hậu lên đường qua một khu vườn kỳ diệu gọi là Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Nhằm mùa xuân sang, hoa lá cây kiểng bừng rộ sắc hương, chim chóc đủ màu bay liệng trên cành, hót ca ríu rít.
Cảm thấy hơi mệt, hoàng hậu Ma Da muốn dừng nghỉ chốc lát trong vườn Lâm Tỳ Ni, rồi bà chuyển dạ và hạ sanh được một hài nhi, người mà sau này thành Phật. Còn nơi nào đẹp hơn cho bậc Đại Sư yêu thương tất cả chúng sanh ra đời? Giữa cảnh hương hoa ngào ngạt, chim chóc nhởn nhơ, hót ca vang vọng những khúc nhạc đón mừng thì hoàng tử tí hon mở to đôi mắt tuyệt vời. Được biết hài nhi là một hoàng nam, các thị nữ hối hả trở về hoàng cung, mang tin mừng đến quốc vương Tịnh Phạn.