Vườn Lâm Tỳ Ni

Nằm lọt thỏm giữa hai nước Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng quốc gia nhỏ bé Nepal không chỉ lừng danh thế giới với đỉnh núi Everest mà còn được biết đến với Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - di sản văn hóa thế giới, nơi Đức Phật đã sinh ra...

Giữa những đầm lầy và cánh rừng mênh mông, Lâm Tỳ Ni hiện ra như một chốn bình yên có sức mê hoặc lạ thường.

2.600 tuổi

Vào một ngày của 2.600 năm về trước, hoàng hậu Mahamaya trên đường trở về thăm cha mẹ ruột, thấy cảnh Lâm Tỳ Ni quá đẹp và bình yên nên đã dừng lại nghỉ ngơi. Rồi bà sinh ra hoàng tử Sidharth, người sau này trở thành Đức Phật, ngay dưới tán một cây bồ đề.

Cây bồ đề ấy nay vẫn đứng đó, đồ sộ và xanh tươi, tỏa bóng trong sự ngưỡng mộ và thành kính của nhiều khách hành hương. Một nhà sư áo đỏ - vàng ngồi bất động dưới gốc cây như hóa đá vào một cõi xa xăm, và tất cả những điều đang diễn ra xung quanh không hề gây cho ông một vướng bận nào.

Tán cây còn được trang hoàng rực rỡ bởi những lá cờ đủ màu, trên đó có viết những dòng chữ cổ. Rất đông người già đứng chắp tay trước cây bồ đề, ngước mắt nhìn những lá cờ và lẩm nhẩm những điều gì đó rất khẽ khàng. Gương mặt họ là sự phản ánh một cách chân thực nhất không gian tĩnh lặng của Lâm Tỳ Ni.

Bên cạnh gốc bồ đề là nền của ngôi chùa tráng lệ Maya Devi đã bị tàn phá, nay chỉ sót lại những nền móng và hồ nước đã được sửa sang lại. Những đợt khảo cổ gần đây đã tìm thấy nhiều hiện vật quí báu, đồng thời chính quyền địa phương đã bảo tồn, tu bổ, giữ nguyên dáng vẻ nguyên thủy của nó để du khách có thể hình dung được phần nào quá khứ.


Nổi bật nhất là trụ đá Ashoka, gây ngạc nhiên bởi chiều cao 6m và được tạc một cách công phu từ một khối đá màu hồng. Vào năm 250 trước Công nguyên, vua Ashoka đi qua đây và cho xây nên trụ đá này, đồng thời ban hành lệnh miễn thuế cho Lâm Tỳ Ni, nơi đã trở thành vùng thánh địa ghi đậm dấu ấn trong lịch sử thế giới, nơi vị sư nhà Đường từng đi thỉnh kinh và 600 năm sau đó, dựa trên hồi ký của ông, Ngô Thừa Ân đã viết Tây du ký.

“Liên Hiệp Quốc”… chùa

Những ai mới quay lại Lâm Tỳ Ni khoảng hai, ba năm gần đây sẽ bất ngờ vì thấy rất nhiều ngôi chùa mọc lên trong khu rừng cách nơi Đức Phật sinh ra chừng 3km.

Xuất phát từ đề nghị của nhà sư Huyền Diệu (việt kiều Pháp), vua Nepal đã đồng ý dành 1.000 mẫu đất nơi đây để xây dựng những ngôi chùa, mở rộng đường sá nhằm biến Lâm Tỳ Ni thành một khu hành hương, du lịch qui mô lớn, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Giữa vùng đầm lầy ngập nước, một ngôi chùa mang phong cách Việt Nam mọc lên đầu tiên, sau đó đến lượt người Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Đức, Pháp... xuất hiện và xây những ngôi chùa theo phong cách riêng của mình. Nhiều người đã gọi Lâm Tỳ Ni là nơi quần tụ của những ngôi chùa kiểu “Liên Hiệp Quốc”.

Những ai muốn hình dung kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa từ khắp mọi nơi trên thế giới sẽ thấy Lâm Tỳ Ni như một bảo tàng đặc sắc. Chùa của người Trung Quốc trông đồ sộ kiểu Thiếu Lâm tự. Chùa Thái Lan rực rỡ với nhiều màu sắc. Chùa Ấn Độ hình mái vòm đặc trưng…

Còn chùa của người Việt có dáng dấp thanh mảnh, gần gũi nhưng có tháp chuông cao hơn hẳn những ngôi chùa khác và đặc biệt là rất nhiều cây xanh. Đứng trên ngôi tháp cao phóng tầm mắt ra xung quanh sẽ thấy trong cảnh hoàng hôn từng đàn chim bay về tổ, những mái chùa sau rặng cây. Đó là khung cảnh mang đậm màu sắc phương Đông mà du khách có thể cảm nhận được.

Hồng hạc, bướm và tuyết Himalaya

Để khỏi mang tiếng là đến Nepal mà không biết thế nào là dãy núi Himalaya, nhiều du khách được khuyên hãy dậy sớm ngắm mặt trời mọc. Đứng trên tháp cao của một ngôi chùa vào một buổi sáng trời quang mây, chúng tôi nhìn thấy dãy Himalaya từ xa trải dài dọc phía bắc của vùng Nam Á.

Những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ bỗng xuất hiện lấp lánh dưới ánh ban mai. Chúng tạo thành những vệt sáng tỏa ra từ những đỉnh núi như những đường viền trang trí rất đẹp trên bầu trời. Cũng phải nói thêm là khung cảnh này chỉ hiện ra trong 5 -10 phút. Chỉ cần mặt trời lên cao hơn một chút, nắng chiếu mạnh hơn một chút là khung cảnh tuyệt đẹp đó sẽ biến mất, như một giấc mơ.

Và nữa, Nepal nổi tiếng là một đất nước rất phong phú các loại bướm, trong đó riêng 800 loại thuộc 650 loài chỉ tìm thấy ở đây. Mà Lâm Tỳ Ni lại được các chuyên gia đánh giá là nơi quan sát thuận lợi nhất loại côn trùng xinh đẹp này.


Lúc chúng tôi đến chưa phải vào mùa nhưng đã thấy bướm bay chập chùng khắp nơi. Còn vào mùa hoa nở rộ, theo lời anh Chandra, nhân viên khu du lịch này, “bướm bay nhiều hơn cả lá cây”.

Nhưng đặc biệt nhất là những ai may mắn nhìn thấy chim hồng hạc bay lượn ở Lâm Tỳ Ni. Những con chim đẹp lộng lẫy với chiều cao tới 1.7m này đã đưa LâmTỳ Ni vào danh sách những điểm di trú chim nổi tiếng nhất trên thế giới.

Muốn ngắm được hồng hạc cũng phải dậy sớm, nhưng người ta bảo phải có diễm phúc mới nhìn thấy chúng. Đoàn chúng tôi đến đây có 12 người nhưng chỉ duy nhất anh chàng Minh, sinh viên công nghệ thông tin ở Delhi (Ấn Độ), là nhìn thấy một cặp vợ chồng chim hạc bay lượn. Minh chỉ biết khen “đẹp quá” và sau đó ngẩn ngơ vì vẻ đẹp ấy suốt mấy ngày.

Lâm Tỳ Ni trước đây hoang vắng, nhưng giờ, theo Chandra, có ngày nơi đây thu hút tới 3.000 khách mặc dù đây không là nơi dành cho những người thích tiện nghi. Tất nhiên, những khách sạn, khu vui chơi, giải trí phải xây dựng cách biệt với Lâm Tỳ Ni để vùng đất này mãi giữ được cái thần thái riêng của nó.



Vũ Thanh Bình