Trong bài trước, chúng ta thấy Tất Đạt Đa Gô Ta Ma, con trai của quốc vương Tịnh Phạn, đã thành Phật tối thượng, đấng Đạo Sư của tất cả chúng sanh. Như vậy là những lời tiên tri của hiền sĩ A Tư Đà đã thành sự thật. Ngài nói, các bạn còn nhớ, cậu bé sẽ xuất gia và thành bậc Đạo Sư của nhân thế.
Tôi tự hỏi không biết các bạn có hiểu được ý nghĩa của từ "Phật" không? Nhiều người phương Tây, những vị mà tôi từng thuyết giảng Đạo Phật cho họ, cho rằng Phật là một hạng thần linh nào đó. "Phật" không có nghĩa là một vị thần linh. "Phật" có ý nghĩa cao cả hơn thế nhiều. "Phật" là "Người đã tìm ra Sự thật" hay "Đấng Giác Ngộ". Người nào thành Phật, thấu rõ Sự thật, người ấy có đầu óc tròn đầy trí tuệ sáng suốt. Đừng quên ý nghĩa của từ "Phật" để nếu có ai hỏi, bạn cũng sẽ có thể trả lời được.
Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài thấy rõ bốn Sự thật vĩ đại được gọi là "Tứ diệu đế". Sự thật cao quý thứ nhất: "Đời là dẫy đầy đau khổ". Điều này không có nghĩa là không có hân hoan, lạc thú trong đời, trái lại là khác. Nhưng có nghĩa cuộc đời nói chung là bị đau khổ, vì không có gì là tồn tại mãi, vì cái chết sẽ đến với tất cả cuộc đời và gây ra cảnh chia ly tang tóc. Đau khổ xảy đến là vì chúng ta cố bám chặt vào mọi thứ, thay vì để chúng tự do ra đi.
Một số người, khi đọc Sự thật cao quý thứ nhất này, cho rằng Đạo Phật là một tôn giáo buồn bã u sầu; như vậy là họ không hiểu ý nghĩa của Sự thật thứ nhất. Ở những nước mà Phật Giáo là tôn giáo chính thì dân chúng luôn luôn tươi sáng và hạnh phúc. Họ ý thức rằng Đức Phật dạy họ thụ hưởng những lạc thú ở đời khi chúng đến, nhưng khuyên họ đừng bám chặt lấy chúng khi tới lúc chúng phải chia ly.
Chúng ta hái một đóa hoa hồng tươi đẹp, chúng ta thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm của nó khi nó còn tươi, nhưng sẽ ngốc nghếch biết bao nếu ta cài nó lên chiếc áo của ta sau khi nó đã úa tàn. Mọi thứ trên trái đất này cũng thế: hân hoan, lạc thú, tiền tài, quyền lực, v.v... tất cả là để chúng ta sử dụng khi nào cần, khi chúng còn hữu ích, nhưng ta phải để chúng ra đi với một nụ cười thoải mái khi đến lượt chúng phải giã từ.
Sự thật cao quý thứ hai là "nguyên nhân của khổ".
Khổ, vị trí thứ nhất, bắt nguồn từ vô minh. Người trí không cố bám chặt những thứ mà họ biết là phải chia lìa. Cũng thế, một cô gái khôn ngoan không khư khư giữ lấy một đóa hoa hồng tàn úa để rồi cài nó lên tóc hay lên áo của mình. Đó là hành động ngu muội, và ngu muội thì sinh ra biết bao đau khổ trong đời.