Điều thứ hai mà chúng ta phải hiểu thêm đôi chút là Luật nghiệp báo vĩ đại. Các bạn còn nhớ là chúng ta đã bàn điều này nhiều lần trong một vài bước trước kia. Ý nghĩa giản dị là mọi sự mọi vật đều là hậu quả của cái gì đó đã xảy ra trước. Nghĩa là từ một nguyên nhân trước.
Cây lúa mì mọc lên là vì hạt lúa mì đã được gieo trỉa. Hạt lúa mì là nhân của cây lúa mì; cây lúa mì là quả của hạt lúa mì. Có một nguyên nhân cho mọi thứ mà chúng ta thấy chung quanh ta. Có khi chúng ta hiểu được nguyên nhân và có khi chúng ta không hiểu. Tuy nhiên, chúng ta biết không có gì xảy đến một cách tình cờ; tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân.
Thấy những viên đá trên bãi biển, chúng ta có lẽ không biết chúng đến đó bằng cách nào, nhưng chúng ta biết chắc rằng có một nguyên nhân cho sự hiện hữu của chúng ở đó. Có lẽ một làn sóng đã đưa chúng vào bờ từ lòng biển sâu; hoặc có lẽ một tảng đá lớn đã văng ra từ sườn đồi bởi một trận động đất cách đây nhiều năm và dần dần vỡ thành những mảnh nhỏ.
Điều đúng với tảng đá và cây lúa mì thì cũng đúng với mọi thứ chung quanh, và như vậy là cũng đúng với tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của chúng ta. Tất cả những thứ đó đều bắt nguồn từ một số nguyên nhân trước. Nguyên nhân của ngôn ngữ và hành động xấu là tư tưởng xấu, và nguyên nhân của tư tưởng xấu thì đích thị là vô minh. Cũng thế, nguyên nhân của ngôn ngữ và hành động tốt là tư tưởng tốt, và nguyên nhân của tư tưởng tốt là trí tuệ.
Thế thì chúng ta có thể nói rằng trí tuệ và vô minh cũng giống như những hạt giống, từ đó phát ra ngôn ngữ, tư tưởng hay hành động tốt xấu tương ứng.
Mỗi cây phát sanh từ một hạt giống, rồi đến lượt đơm hoa, sanh ra những hạt giống mới, làm cho những cây khác mọc lên, và đó là vòng luân hồi sinh tử. Đây là cách trình bày đơn giản cho thấy Luật nghiệp báo tương ứng và sự tái sinh mà các nhà khoa học trên thế giới ngày nay gọi là luật nhân quả. Luật này chưa được ai hiểu biết từ lâu ở Tây phương, nhưng Đức Phật chúng ta đã thấu đạt nó cách đây hơn 2,000 năm. Ngài phát hiện luật này khi Ngài đi theo con Đường tám nhánh cao quý. Chư Phật trong vô lượng vô biên kiếp xa xưa cũng luôn luôn thuyết giảng luật này.
Giáo Pháp Của Đức Phật
Giáo Pháp Của Đức Phật