13. Về Thành Ca Tỳ La Vệ

Suốt thời gian Phật trú tại vườn Lộc Uyển, đồ chúng của Ngài phát triển gần đến con số sáu mươi. Ngài phái họ đi đến nhiều nơi khác nhau trong nước để thuyết giảng và trao truyền thiện pháp mà Ngài đã khai phá để chữa trị đau khổ. Các môn đệ này được gọi là Tỳ kheo nghĩa là sư sãi hay đạo sư, họ quấn y vàng và ôm bình bát khất thực trong tay.

Không quên lời hứa với vua Tần Bà Sa La, Đức Phật đến thành Vương Xá và ở lại với quốc vương được một thời gian dài. Tần Bà Sa La dâng hiến khu vườn rất đẹp của mình cho Phật để Đấng Đại Giác và môn đệ của Ngài có thể thỉnh thoảng an trú và giáo hóa dân chúng.

Ấn Độ bấy giờ không có xe lửa, xe hơi hay máy bay; tuy nhiên, tin tức được truyền đi rất nhanh. Chẳng mấy chốc quốc vương Tịnh Phạn, phụ hoàng của Phật, được tin con mình nay đã thành bậc Đại Sư, hiện đang vân du trong nước và thu nhận nhiều môn đệ mới hằng ngày.

Người ta có thể nghĩ rằng phụ hoàng của Ngài rất có thể đã hãnh diện về Ngài, nhưng không phải như thế. Ở Ấn Độ, vào thời đó, các vì vua chúa rất hãnh diện về huyết thống hoàng tộc của mình, và nhà vua rất lấy làm khủng khiếp khi nghe hoàng tử đầu trần chân đất, đó đây khất thực dọc đường.

Tịnh Phạn cho triệu con mình, Đức Phật liền đến thành Ca Tỳ La Vệ và diện kiến phụ hoàng. Lúc đầu quốc vương tỏ vẻ bực tức nói với Phật, nhưng khi Phật báo tin mừng cho ngài, những thiện pháp đã thu phục biết bao trái tim của con người, thì quốc vương lấy làm hổ thẹn và cũng xin được phép làm môn đệ Ngài. Đức Phật hoan hỷ nhận phụ hoàng của mình vào đoàn thể Tăng già.

Quốc vương kể cho Phật nghe người vợ đáng thương, Da Du Đà La (Yoshodhara) của Ngài đã đau khổ vì Ngài biết bao, bà cũng cắt tiện mái tóc kiều diễm của mình và mặc đồ đen sậm xấu xí để thương tiếc Ngài. Vô cùng xúc động, Đức Phật đi ngay đến khuê phòng của bà để thăm bà, và khi nhìn thấy mặt chồng, bà liền gieo mình xuống đất, sụt sùi nức nở dưới chân Ngài. Đức Phật nhẹ nhàng đỡ bà đứng lên, lau nước mắt cho bà, rồi kể lại cuộc tìm kiếm gian nan và Sự thật mà cuối cùng Ngài đã tìm thấy. Da Du Đà La cũng trở thành môn đệ của Ngài và tích cực hướng dẫn nhiều phụ nữ vào Giáo hội.

Các bạn còn nhớ cậu hài nhi của hoàng tử ra đời trước khi chàng từ giã hoàng cung. Cậu bé giờ đây đã được bảy tuổi và chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha. Da Du Đà La đưa cậu bé mang tên La Hầu La (Rahula) đến một cửa sổ hoàng cung nhìn qua vườn ngự uyển và chỉ cho cậu thấy cha cậu. Sau đó bà bảo cậu chạy xuống gặp Ngài và xin lại di sản của mình.

Theo lời mẹ, La Hầu La đến gặp Phật, Ngài đang thuyết giảng trong vườn, và nói: "Thưa cha, xin cha trao lại di sản cho con".

Đức Phật đưa tay ôm choàng đứa con bé nhỏ của Ngài và nói: "Bạc vàng thì ta không có, nhưng món quà Sự thật thì ta sẽ tặng cho con". Ngài thuyết pháp cho La Hầu La, và La Hầu La cũng trở thành một trong những môn đệ của Ngài.

Câu chuyện này cho thấy chúng ta không cần phải đợi đến khi nào mình là các ông các bà rồi mới thành đệ tử Phật, mà mỗi người trong chúng ta, không luận tuổi tác, cũng có thể học tập Giáo pháp và đi theo con Đường tám nhánh cao quý. Kho tàng mà Phật trao cho cậu bé La Hầu La còn quý hơn là vàng bạc châu báu, và đây cũng là di sản của chúng ta, cái kho tàng đã được trao truyền từ quá khứ. Không tiền bạc nào có thể mua được nó, chúng ta phải vô cùng hãnh diện bảo vệ nó, không để cho bất cứ ai cướp đoạt nó.

Chính Giáo pháp của Phật đã làm cho Đông phương vĩ đại, và Giáo pháp đó cũng sẽ làm cho Tây phương vĩ đại. Nó sẽ chữa trị con người hết bệnh vị kỷ, tham tiền; nó sẽ giáo dục họ tình huynh đệ và yêu thương lẫn nhau; nó sẽ giảng dạy lòng nhân ái đối với chúng sanh yếu kém và nó sẽ xây dựng một nền văn minh mới, không đánh giá con người bằng tiền bạc, địa vị, mà bằng lòng nhân hậu, khí phách.