Bài học đầu tiên mà Phật thuyết giảng cho mỗi chúng ta là ý nghĩa của Luật nghiệp báo.
Luật nghiệp báo đôi khi còn được gọi là Luật nhân quả. Nói giản dị thì mọi thứ ta thấy là kết quả của một số nguyên nhân trước kia. Ví dụ như màu hồng tươi đẹp mà bạn rất lấy làm ưa thích đó là kết quả của đóa hoa hồng, đóa hoa hồng là kết quả của cây hoa hồng, và cây hoa hồng bắt nguồn từ hạt hoa hồng đã được gieo trỉa.
Tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của ta cũng thế. Chúng cũng giống như những hạt mầm đã được gieo trỉa, và rồi sanh ra trái ngọt cây lành, làm ta vui vẻ hơn; còn hành động sai lầm thì chỉ mang lại đau khổ.
Phật dạy: "Gieo gì thì gặt nấy". Nhiều vị trong các bạn hẳn là có vườn ở nhà, và như vậy là các bạn hiểu rất rõ ý nghĩa của những lời này. Nếu ta gieo hạt cà rốt thì không mong gì có cây đậu mọc lên. Vậy thì ta phải xiển dương Giáo pháp của Đức Phật xa rộng hơn nữa, phải áp dụng Giáo pháp đó vào cuộc sống của chúng ta; phải hiểu rằng mỗi lời nói và hành động của chúng ta đều phát sanh thành quả của nó, hoặc tốt hoặc xấu, tùy theo loại tư tưởng, ngôn ngữ và hành động mà ta gieo trồng trong mảnh đất cá tính của mình.
Chúng ta không thể thoát khỏi hậu quả hành động của chính mình. Không ai có thể cứu vớt chúng ta thoát khỏi hậu quả đó. Chúng ta phải tự gánh chịu khổ đau nếu những việc ta làm là sai trái, nhưng chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu những hành động ta làm là hiền thiện. Một số tôn giáo cho rằng cầu nguyện thần linh người ta có thể thoát khỏi hậu quả của những hành động quá khứ. Đây là lời giáo huấn mê muội, bắt nguồn từ vô minh.
Cách duy nhất mà ta có thể thoát khỏi khổ đau là đừng gieo trồng những hạt tư tưởng, ngôn ngữ và hành động xấu ác phát sanh hậu quả đau khổ. Cách duy nhất không cho cây cà rốt mọc trong vườn là đừng gieo hạt cà rốt! Bao lâu ta còn gieo hạt cà rốt, bấy lâu ta còn thấy cây cà rốt mọc ở đó.
Giả sử chúng ta gieo nhiều hạt cà rốt và rồi bắt đầu cầu nguyện thần linh rằng: "Hỡi đấng thần linh, xin ngài đừng để cây cà rốt mọc trong vườn con; con chỉ muốn cây bông hồng thôi". Các bạn nghĩ lời cầu nguyện như thế có lợi ích gì không? Các bạn có mong gì thấy được những cây bông hồng nhô lên khỏi mặt đất không? Không! Các bạn có thừa sáng suốt, không thể làm điều điên rồ như thế, vậy mà có nhiều người làm. Họ làm những việc quái ác và rồi cầu nguyện thần linh ngăn chận hậu quả hành động của họ.
Không ai có thể uống thuốc thế cho chúng ta. Giả sử bạn bị đau bụng, và mẹ bạn đưa bạn đến bác sĩ. Như các bạn biết, bác sĩ đôi khi buộc phải cho một loại thuốc khó uống để chữa trị bệnh nhân. Vì thế ông ấy cho bạn một chai si rô màu nâu với hương vị buồn ói dễ sợ.
Bạn có thể hết đau nếu mẹ bạn uống thay cho bạn loại thuốc đó không? Nếu hết đau, tôi tin chắc mẹ bạn sẽ vui vẻ uống liền. Chúng ta phải khắc phục những quan niệm trẻ con đó để hiểu rõ những điều Đức Phật dạy: Mỗi người phải thu hoạch vụ mùa do chính mình gieo trỉa.
Nào, tôi tự hỏi không biết các bạn có hiểu được chút ít ý nghĩa về Luật nghiệp báo chưa? Khi chúng ta nghe các Phật tử nói: "Đấy là nghiệp của tôi", họ muốn nói rằng họ đã gieo hạt, và hạt đó đã gây cho họ hậu quả như thế, vậy thì họ có càm ràm cũng vô ích. Điều thực sự có nghĩa là: "Đây là hành động của chính tôi".
Có một bài thơ nhỏ, nếu các bạn học thuộc, nó sẽ giúp các bạn nhớ bài Nghiệp báo.
Gieo một tư tưởng, gặt một thói quen.
Gieo một thói quen, gặt một cá tính.
Gieo một cá tính, gặt một số phận.
Tất cả những gì chúng ta đang làm là kết quả của những gì chúng ta đã suy nghĩ; nó được thiết lập trên tư tưởng của chúng ta.
Vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta nên hân hoan sung sướng bắt đầu gieo trồng những hạt giống mang lại kết quả an vui, và đừng gieo trỉa một loại giống nào mang lại khốn cùng đau khổ.