Phật dạy chúng ta mọi thứ ở đời đều bị luật tắc chi phối, và những luật tắc này làm cho các dòng nước đại dương vào ra tùy lúc; làm cho cây lá trỗ hoa và kết thành hạt giống. Cũng thế, chúng chi phối cơ thể chúng ta, nên chúng ta phải ra sức học tập và thấu đạt chúng nếu chúng ta muốn được cường tráng, khỏe mạnh. Không có gì xấu ác trên cõi đời này, cái ác chỉ bắt nguồn từ ý nghĩ sai lầm. Vì vậy cho nên khi nghe các em nhỏ dùng lời bẩn thỉu, nói năng ngu ngốc, xỉa xói lẫn nhau, chúng ta phải xót thương cho chúng, vì chúng đang nhìn các thứ thật là tươi đẹp, tinh khiết qua những khung cửa sổ dơ bẩn.
Một cậu Phật tử sẽ đối xử các cô hết lòng kính trọng, và một cô Phật tử sẽ không bao giờ cho ai giao tiếp tùy tiện với mình. Chúng ta nên tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến bản thân chúng ta để có thể làm cho chúng đẹp đẽ khỏe mạnh, bởi vì chúng là dụng cụ giúp ta làm được nhiều việc, và nếu công việc được thực hiện tốt đẹp thì cơ thể chúng ta cũng phải được giữ gìn cẩn trọng.
Nếu chúng ta nhớ được điều này thì sẽ dễ dàng tiêu diệt các loại cỏ dại hận thù, độc hại, bất tịnh, xấu xa trong những mảnh vườn tâm thức của mình, và gieo được ở trong đó những hạt giống yêu thương, từ ái, thanh tịnh và tươi đẹp.
Trong kinh điển, chúng ta đọc được những ngôn ngữ về những Làn sóng Tư tưởng, và chúng ta lặp lại chúng trong chùa vào những ngày chủ nhật. Những làn sóng tư tưởng này là những sứ giả yêu thương, hòa bình mà chúng ta phái đến tất cả anh chị em trên khắp vũ trụ. Chúng ta phái họ không những đến với anh chị em nhân loại mà còn đến với những huynh đệ chim muông, cầm thú bé nhỏ, những thảo mộc li ti, cùng với tất cả những sinh vật sống dưới đại dương và sông ngòi nữa. Tư tưởng nhân từ của chúng ta sẽ giúp chúng, vì tất cả sinh mệnh là một.
Tính ích kỷ là chỉ nghĩ đến riêng mình, làm mọi việc để thỏa mãn chính mình, chả cần quan tâm đến người khác. Phật tử không thể ích kỷ, vì họ biết Tất Cả Sinh Mệnh Là Một, họ phải dốc tâm đối xử với tất cả chúng sanh như đối xử với chính họ vậy.
Lòng vị tha là một trong những dấu hiệu của người Phật tử chân chính. Lòng vị tha bắt nguồn từ kiến thức về cái Chung Nhất của Tất Cả Sinh Mệnh, còn tính ích kỷ phát xuất từ sự vô minh, ngu muội.
Một hôm, một con chim cổ đỏ đậu trên cành anh đào, ngắm những đóa hoa hồng tươi thắm đang rơi xuống đất.
Hắn quay sang một thần anh đào, nói: "Thưa Thần linh sáng suốt, sao ngài không giữ những đóa hoa tươi thắm kia trên cây, chúng sẽ làm cho ngài hoan hỷ và tươi đẹp biết bao?"
Mộc thần mỉm cười, đoạn trả lời cho chú chim bé nhỏ như sau: "Này chú chim bé nhỏ, câu hỏi của chú phát xuất từ vô minh. Giữ lại những đóa hoa này lâu hơn tí nữa là ôm lòng ích kỷ, vì sau đó trái nụ không thể trưởng thành. Nếu trái nụ không trưởng thành, chú cũng đành chịu cảnh khốn cùng, bởi vì ta thấy các chú chim cổ đỏ bé nhỏ kia cũng rất khoái trái anh đào".
Chú chim cúi đầu và lấy làm xấu hổ về những lời ngu ngốc của mình. Cây anh đào có để cho những đóa hoa tươi thắm của chúng rơi xuống đất thì hạt giống mới nảy mầm và mọc lên những cây anh đào mới. Không có tinh thần hy sinh, vị tha thì làm sao có được văn minh, tiến bộ.