Hôm nay tôi sẽ yêu cầu các bạn hướng vọng tâm tư của mình về thời Thái tử Tất Đạt Đa ra ngoài hoàng cung để tham quan các kinh thành vương quốc. Như các bạn biết, trước khi xuất hành, cuộc sống của Thái tử tràn đầy hân hoan, tươi sáng; chàng không thấy gì là đớn đau khổ sở mà bao người phải gánh chịu.
Quốc vương đã làm đủ mọi cách để ngăn chận con trai của ngài chứng kiến bất cứ một cảnh tượng nào bất hạnh trên đời. Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch của quốc vương đều trở thành vô dụng, bởi vì trong chuyến du ngoạn quanh thành, Thái tử đã giáp mặt với cái già, cái bệnh và cái chết. Trong giây lát, đối với chàng, mọi thứ đều bị biến đổi. Cuộc sống trước kia đầy vẻ hân hoan tươi sáng thì giờ đây như thể tuyệt vọng, tối tăm.
Ngay lúc đó, Thái tử quyết định không thể an nghỉ cho đến khi tìm được phương thức chữa trị bao nỗi khổ đau mà chàng đã chứng kiến quanh mình.
Chàng nghĩ đến người vợ trẻ và đứa con thơ yêu quý của chàng, chàng nhận thức với nỗi buồn sâu sắc rằng họ cũng sẽ già nua, yếu đuối và bơ vơ như cụ già mà chàng đã gặp trên đường phố. Lòng buồn rười rượi, chàng lại nghĩ đến đám ma vừa diễn ra trước mắt và xót xa cho tất cả những ai đã mất hẳn người mình thân thương yêu quý.
"Ồ! Ta phải tìm ra nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau này", chàng kêu lên. "Ta sẽ không bao giờ ngừng nghỉ cho đến khi tìm ra con đường dẫn đến an lành, hạnh phúc vĩnh cửu, không phải an lành hạnh phúc cho riêng ta mà cho tất cả nhân loại".
Ngay lúc đó, chàng nhận thấy không một lạc thú nào ở hoàng cung có thể mang lại hạnh phúc cho chàng, vì đó là những lạc thú thoáng qua, không phải hạnh phúc vĩnh cửu.
Nếu như tôi hỏi các bạn ý nghĩa của từ "hạnh phúc", không biết các bạn sẽ trả lời cho tôi như thế nào, Một số người có những quan niệm rất buồn cười về cách tạo lập hạnh phúc.
Mới đây có một chàng trai nói với tôi rằng nếu cậu ta có một cửa tiệm bánh kẹo thì cậu sẽ hạnh phúc tuyệt vời. Hạnh phúc đối với cậu là có thể tha hồ ăn kẹo. Cũng như nhiều thanh niên khác, cậu này chỉ nghĩ đến thú vui ăn kẹo mà quên rằng hậu quả của việc bội thực là luôn luôn đau nhức và bất an.
Không những chỉ trẻ con mới có quan niệm dại dột về hạnh phúc. Một số các ông các bà cũng ra sức làm giàu suốt đời, họ tin rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc cho họ - số người khác thì tìm cầu địa vị cao sang mới hy vọng có được hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật là điều vĩ đại hơn bất cứ những gì mà quyền lực hay tiền bạc có thể mang lại.
Đó là điều vĩnh cửu - hạnh phúc đó sẽ không bao giờ tiêu vong, dù ta có giàu sang hay nghèo túng, địa vị cao sang hay hèn mạt trên đời.
Cái mà những người này gọi là hạnh phúc thực sự không gì khác hơn là những thú vui thoáng qua. Một người giàu sang hẳn là có một số lạc thú nào đó về của cải, nhưng những lạc thú đó sẽ qua đi. Một người có địa vị cao sang cũng thế, lạc thú của họ cũng không tồn tại lâu dài.
Tôi không muốn các bạn nghĩ rằng có tiền bạc hay địa vị là sai lầm. Đức Phật không bao giờ thuyết giảng điều đó, Ngài trình bày rằng bản thân của những thứ đó không thể nào mang lại hạnh phúc, nhưng Ngài dốc tâm dốc sức cho ta thấy làm thế nào để sử dụng quyền lực và tiền bạc giúp đỡ người khác.
Khi ngồi dưới cội bồ đề, Đức Phật tìm kiếm nguyên do của bao nỗi khổ đau. Ngài biết rằng Ngài không bao giờ có thể chữa trị được khổ đau trừ phi Ngài tìm ra nguyên nhân của sự đau khổ.
Chúng ta đi bác sĩ là vì chúng ta có phần đau nhức trong cơ thể, bác sĩ không cho ta một chai thuốc đau nhức liền, mà trước hết ông phải cố gắng tìm cho ra cái nguyên nhân gây đau nhức.
Đây chính là điều mà Đức Phật đã làm. Ngài quán sát tâm tư và thấy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh.
Vậy ta có thể nói vô minh là mầm mống phát sanh đau khổ.