Sau khi thấy được nguyên nhân của khổ đau, Đức Phật không ngừng nghỉ cho đến khi tìm ra cách thức chữa trị đau khổ.
Con đường Ngài thấy dẫn đến việc chữa trị đau khổ được mệnh danh là "Bát chánh đạo". Vậy thì trước khi trình bày với các bạn thêm đôi chút về Bát chánh đạo, tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện trong kinh điển Phật giáo, và như thế có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn.
Thuở nọ có một số người đi ngang qua khu rừng già. Họ mải mê bàn tán đủ thứ nên không mấy quan tâm đến cảnh vật chung quanh.
Họ thắc mắc nhiều về phạm vi của khu rừng, và về những gì bên kia khu rừng; nhiều lúc họ đâm ra cáu gắt lẫn nhau, vì họ không thể nào hoàn toàn đồng ý.
Tuy nhiên, có một người rất trầm lặng. Ông không dự vào cuộc bàn tán trời trăng mây gió mà chỉ chăm chú ngắm nhìn và thán phục các loại cỏ cây hoa lá xinh tươi mọc chung quanh ông.
Dần dần ông này đi xa bạn bè và rồi mỗi lúc mỗi lạc hẳn vào rừng sâu. Ông xem xét mọi thứ rất kỹ và khi đưa tay hái một vài bông hoa mới lạ thì ông chợt thấy một con đường mòn xưa cũ, rõ ràng là đã được dân chúng sống trong rừng khai mở cách đây rất nhiều năm.
Con đường hầu như bị những dây leo và cây cành lõa xõa che khuất đến nỗi khó mà nhìn thấy được, trừ phi có người chú tâm quan sát.
Người ấy rất thích thú, vì ông biết rằng con đường cũ kia hẳn là phải dẫn đến một nơi nào đó. Ông bắt đầu phát cỏ, cắt dây và đốn cây, ông phải làm việc vô cùng vất vả! Trời tối mịt ông mới ngả lưng nằm nghỉ, và khi bình minh vừa ló dạng thì ông lại bắt đầu công việc, tiếp tục phát quang suốt ngày.
Ông kiên trì với công việc của mình trong nhiều tuần cho đến một hôm ông đi đến cuối đường và thấy mình ở trong một khu vườn cổ. "Cổ", các bạn biết đấy, có nghĩa là "cũ".
Ông này đi lang thang qua khu vườn cũ, và cuối cùng đến được một cung điện cổ xưa. Không có ai trong cung điện đó cả. Đó là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, và ông có thể thấy rằng nó được những công nhân lành nghề xây dựng với những vật liệu rất tốt; bởi vì, mặc dù qua bao năm tháng, nó vẫn còn kiên cố và tốt đẹp.
Ông leo lên những bậc thềm bằng đá khổng lồ và dạo qua tất cả các phòng cung điện, thấy bạc vàng châu báu đẹp đến nỗi khó có thể rời mắt. Một lát sau, ông nhớ đến các bạn bè mà ông đã bỏ lại đằng sau trong rừng.
"Ta phải trở lại ngay và báo cho họ biết những điều ta đã thấy; họ sẽ rất lấy làm vui mừng", ông suy nghĩ. Thế là ông rời khỏi cung điện và các khu vườn, nhanh chóng trở lại theo con đường đó cho đến khi ông gặp lại bạn bè.
Ông báo ngay cho họ biết việc mới khám phá của ông. Một số rất hân hoan, lập tức khởi hành để thấy cung điện và xem các thứ kỳ diệu. Số khác thì không tin những gì ông nói, họ bỏ đi, tiếp tục cuộc đàm luận thú vị của họ.
Có số đi được một đoạn đường rồi quay lại, nói rằng mệt quá, không thể đi bộ lâu như thế. Thái độ của bạn bè làm ông cảm thấy rất buồn, vì ông biết rằng chừng nào họ thấy được cung điện như ông thấy thì họ mới có được niềm vui thật sự.
Thế đấy, người thấy được con đường đó chính là Đức Phật, và cung điện ở cuối đường là cung điện cổ xưa của Sự thật vĩnh cửu, nghĩa là sẽ tồn tại mãi mãi. Khu rừng mà những người kia đang đi là rừng vô minh, nơi mịt mù tối tăm và dẫy đầy đau khổ. Con đường dẫn từ cánh rừng vô minh đến cung điện nguy nga của Sự thật là con đường mòn trí tuệ cổ xưa, gọi là Bát chánh đạo; được đấng Đạo Sư, Đức Bổn Sư, Đức Phật tôn quý của chúng ta tìm thấy.