Chỉ vì người ta không hiểu mọi thứ họ có đều phải thay đổi, băng hoại nên họ dốc tâm dốc sức bám giữ các thứ đó, thay vì để chúng thư thái ra đi. Cái tham vọng nắm giữ mọi thứ sẽ làm cho người ta khổ đau, phiền muộn.
Có lần tôi biết một phụ nữ sống mà sợ già. Mỗi buổi sáng bà đến trước gương, ngắm nghía mặt mày tóc tai của mình rất kỹ để xem xem có nếp nhăn nào hay sợi tóc bạc nào xuất hiện.
Mỗi khi thấy một nếp nhăn là bà liền đến mỹ viện để được xoa láng, và thấy sợi tóc bạc là bà nhổ ngay.
Cứ như thế trong nhiều năm cho đến một hôm khi có quá nhiều vết nhăn không thể xoa láng và quá nhiều tóc bạc không thể nhổ sạch; bà nhìn vào gương và thấy mình già rồi. Bà đâm ra đau khổ đến bật khóc và lo lắng đến nỗi ngã bệnh trầm trọng và suýt chết.
Bà này không biết tí gì về Luật vô thường mà Đức Phật đang giáo hóa chúng ta ngày nay. Bà không hiểu rằng chính vì định luật của cuộc đời mà bà phải thay đổi và già nua; bà muốn lúc nào cũng giữ được sắc đẹp và tuổi trẻ của bà, và khi thấy không thể làm được điều đó thì bà đau khổ.
Thuở nọ có một người đàn ông rất tài giỏi, được dân chúng trong thành dành cho một địa vị cao trọng. Ông ấy rất hạnh phúc vì cảm thấy rằng ai ai cũng yêu quý và tin tưởng mình.
Tuy nhiên, khi ông về già, mắt lờ, tai điếc, tâm trí mụ mẫm, không còn sắc sảo linh hoạt như xưa. Dân chúng thấy cần có một người trẻ hơn thay thế địa vị của ông. Khi họ báo cho ông biết điều đó, ông rất đau khổ và khóc than thống thiết.
Cũng vì không hiểu Luật vô thường nên ông ta cố bám víu vị thế mà ông rất mực yêu quý. Khi thấy không thể ôm giữ nó được nữa thì ông đâm ra đau khổ.
Trong Đạo Phật, Luật vô thường thường được gọi là luật biến chuyển, bởi vì khi một vật thể này thay đổi thì nó trở thành một vật thể khác.